Thứ Tư, 29 tháng 8, 2012

Lời kêu gọi tham gia chương trình từ thiện đạo đức học đường

Lời kêu gọi tham gia chương trình từ thiện đạo đức học đường

Đăng ngày 29-12-2010
Lời kêu gọi tham gia chương trình từ thiện đạo đức học đường
Cùng quý Phật tử và các nhà hảo tâm,
Ông bà ta có câu “Con hơn cha là nhà có phúc”.
Vâng. Đọc câu tục ngữ trên, chúng ta dễ bị lừa qua hai chữ “hơn cha”. Chúng ta cứ nghĩ rằng chúng ta là hàng con cháu, càng “qua mặt” ông bà cha mẹ, chúng ta càng xứng đáng “hổ phụ sinh hổ tử”.
Nhưng tiếc thay, vật chất phong phú lại làm nghèo nàn tâm linh. Thực tế cho thấy, con người ngày càng đỡ vất vả, đỡ tốn công sức lao động, việc gì cũng có máy móc hỗ trợ, nhanh chóng, tiện lợi đến nỗi nhiều khi nghe nhắc về “nếp nhà”, về truyền thống, về bản sắc dân tộc, có những huynh đệ chúng ta còn cho rằng “cỗ lỗ sĩ” vì bây giờ thời đại mới, sống phải ăn theo thuở, ở phải theo thì.

Thưa huynh đệ,
Ăn trái nhớ kẻ trồng cây. Chúng ta là người dân của một xứ sở tự hào có 4000 năm văn hiến, lẽ nào chúng ta nở chối bỏ nét đẹp tâm hồn nhẹ nhàng, thanh thoát của tổ tiên ta để ốm lấy văn hóa ngoại lai, đua đòi, kỳ dị, lúc nào cũng nâng cao cái Tôi một cách mù quáng quá đáng?
Khi nghĩ nhớ đến tổ tiên, những con người đã từng hi sinh cuộc đời mình chẳng những để khai hoang lập ấp mà còn bảo vệ đất nước trước ngoại xâm, lòng chúng ta bồi hồi, xúc động khám phá ưu điểm rạng ngời của ông cha ta là không hề đánh mất “chất Việt Nam” dù kẻ xâm lăng cố tìm mọi cách đồng hóa dân ta.
Ngày nay, chúng ta với bổn phận làm cha mẹ, lo cho con cái ăn học, chúng ta chỉ mong sao con mình có ít chữ nghĩa để mai sau chúng tự nuôi lấy thân mình. Chúng tôi, Hội Từ Thiện chùa Phật Quang, với tâm nguyện mãi mãi trọn lòng theo Phật, mong ước đạo Phật mãi đồng hành với dân tộc, chúng tôi xin đề xuất chương trình từ thiện Đạo Đức Học Đường với mục đích khuyến khích và vinh danh giá trị muôn đời về đức hạnh người học trò giữa đời thường.
Đây là một việc làm từ thiện nhỏ nhoi nhưng có tầm vóc lớn vì xây dựng con người cho gia đình, cho nhà trường, cho cộng đồng và cho đất nước, xã hội, dù ta không thấy kết quả rõ ràng cụ thể như xây một chiếc cầu, dựng một mái ấm tình thương, cứu trợ nạn nhân thiên tai, hỏa họan….
Kính mong quý huynh đệ tham khảo Bốn Tiêu Chí nêu dưới đây như là chuẩn mực đánh giá đạo đức của học sinh:
  1. Hiếu kính ông bà, cha mẹ và người lớn tuổi
  2. Tôn trọng Thầy, Cô.
  3. Tử tế với bạn bè.
  4. Yêu nước, đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau.

Thưa huynh đệ,
Sự kết hợp của gia đình – nhà truờng sẽ giúp chúng ta nhận xét và khen thưởng các em học sinh chính chắn và đúng đắn .
Chúng ta không giúp cho học sinh nghèo, không lo cho học sinh giỏi. Chúng ta chỉ quan tâm học sinh nào sống tốt trong gia đình, sống tốt với bạn bè, thầy cô giáo và bóng hình đất nước Việt Nam luôn đậm nét trong những trái tim non.
Chúng ta ủng hộ, tham gia chương trình từ thiện Đạo Đức Học Đường, để nhà nhà an vui, không còn lo âu về việc hư hỏng, sa đọa của con cái – để khu phố, xóm làng vang tiếng vui đùa hồn nhiên, trong sáng của tuổi thơ thay vì bao trùm không khí lãng đãng heroin, bất an với những hệ lụy từ games bạo lực, trụy lạc với sách, phim sex, nhục nhằn với phá thai, trộm cướp, khổ sầu tủi hận với tù tội, trại giam v.v.
Chúng ta ủng hộ, tham gia chương trình từ thiện Đạo Đức Học Đường để khơi lại nguồn mạch tâm linh cho đất nước. Sự khen thưởng sẽ giúp cho con em chúng ta định hướng lại cuộc sống, không còn chạy theo vật chất phù phiếm mà trở nên con ngoan, trò giỏi, công dân gương mẫu cho đất nước.
Chúng ta ủng hộ, tham gia chương trình từ thiện Đạo Đức Học Đường  để gieo hạt giống đạo đức cho tương lai đất nước, chuẩn bị những chủ nhân ông cho tương lai - giàu vị tha, rộng kiến thức, sống vì dân, vì nước.
Chúng ta ủng hộ, tham gia chương trình từ thiện Đạo Đức Học Đường để con người mãi là vốn quý của cuộc đời, đem tâm từ lành trang trải khắp muôn nơi và vô hiệu hóa những nẻo đường đưa về đọa lạc tối tăm.
Kính mong quý huynh đệ, các nhà hảo tâm tìm đến với chương trình từ thiện Đạo Đức Học Đường để vun quén cây Đạo Đức mãi xanh tươi, vì tương lai con em mình, vì tương lai đầy hứa hẹn của đất nước, vì an vui của cộng đồng xã hội, góp phần vào sự nghiệp trồng người cho quê nhà yêu dấu.
Đạo Đức mở lối Tài Năng
Con ngoan, trò giỏi, duyên lành gắng gieo
Bạn lành chia sớt muôn điều
Tấm lòng yêu nước thuận theo Phật Đà
Tuổi thơ non tựa búp hoa
Ngày nay học tập, mai ta giúp đời

Trân trọng.
BAN THƯ KÝ HỘI TỪ THIỆN PHẬT QUANG

Xin liên lạc:    
                        CHƯƠNG TRÌNH ĐẠO ĐỨC HỌC ĐƯỜNG
       Công ty Văn Hóa Pháp Quang
                        28 Hoàng Diệu P 10 Q Phú Nhuận TP HCM
                        Điện thoại:                              (08)38479 599
Sư cô Tâm An                         0986 861338
Sư cô Thành Tại                      0984 982229
Phật tử Nghiêm Bảo               0983 959528

Thứ Hai, 27 tháng 8, 2012

Đạo và Đời trong các bài nói chuyện của thượng tọa Thích Chân Quang

Đạo và Đời trong các bài nói chuyện của thượng tọa Thích Chân Quang

Hàng ngàn phật tử trong đó có nhiều sinh viên nghe thuyết giảng tại sân chùa Phật Quang
Hơn mười năm nay, trong giới Phật tử cũng như những người mộ đạo nói chung lan truyền những bài thuyết pháp của một vị thượng tọa có tên là Thích Chân Quang. Ông sáng lập và hiện trụ trì tại chùa Chân Quang trên núi Dinh ở tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu .
Sở dĩ tôi không gọi các bài thuyết giảng của ông như đúng tên gọi của nó mà gọi là các bài nói chuyện vì nó rất gần gũi đời thường khi ông kheó léo lồng ghép các giáo lý của đạo Phật với đời sống bình thường của con người , mà ông toàn nói đúng nên dễ cảm hóa người nghe từ đứa trẻ vị thành niên, các vị trung niên đến ông già bà cả thuộc đủ mọi cơ cấu thành phần xã hội
Hãy khoan đặt câu hỏi ông là ai , lí lịch gia phong như thế nào để tìm hiểu đôi nét trong phong cách “nói chuyện” của một giáo sĩ . Tôi gọi ông là giáo sĩ bởi liên hệ với những giáo sĩ người Bồ Đào Nha cách đây hơn 200 năm đã đến truyền đạo Thiên chúa vào Việt Nam . Không biết hồi đó ông Bá Đa Lộc dùng cách gì để làm cho hàng vạn người dân quê Việt Nam tin và theo Đức chúa Trời ?
Nhưng nếu bạn có dịp nghe hơn 600 bài nói chuyện của Thích Chân Quang về đủ mọi đề tài , mọi lĩnh vực của đời sống xã hội thì có lẽ trước sau bạn cũng sẽ bị thuyết phục bởi lẽ bạn sẽ thấy đạo Phật rất gần gũi với đời sống con người , nó chia sẻ niềm vui và hy vọng của bạn, nó chia sẻ những nỗi đau thầm kín của bạn .
Tôi đã từng là cán bộ, là đảng viên vì thế tôi đã từng nghe và học rất nhiều sách vở của chủ nghĩa Max, nghe rất nhiều lần các cán bộ tuyên giáo giảng về các nghị quyết của Đảng , nhưng thú thật nghe tai nọ ra tai kia bởi vì các vị toàn nói lý thuyết xuông , né tránh thực tế và vì thế nhiều lần tôi ngủ gật mỗi khi phải đi nghe truyền đạt nghị quyết này nghị quyết nọ của Đảng
Nói như thế xin các vị tuyên giáo tuyên huấn đừng tự ái nếu các vị hãy một lần đến nghe hoặc xem video một bài giảng của Thích Chân Quang trước hàng vạn tăng ni phật tử đang im phăng phắc như muốn nuốt từng lời vàng ý ngọc phát ra lúc trầm lúc bổng từ cái đầu và cái miệng của vị thượng tọa mặc áo vàng giống như âm thanh phát ra từ một cái máy , trơn tru như được lập trình sẵn. Mà hơn 600 bài nói chuyện như vậy thuộc đủ mọi đè tài không cái nào giống cái nào . Người nghe không chỉ là các tăng ni Phật tử theo thày học đạo ở chùa Phật Quang mà ở khắp các chùa chiền trên cả nước
Thiền tôn Phật Quang là ngôi chùa nhỏ nằm trong thung lũng núi Dinh
Đề tài mà Thích Chân Quang chọn để nói chuyện với các cử tọa tình nguyện hoàn toàn là những vấn đề xã hội mà ai cũng thấy nó gần gũi với mình nên rất quan tâm. Xin kể một vài tên bài giảng như vậy ; Tình yêu, hôn nhân và gia đình , Vô tâm, Ma quỷ là có thật, Đạo vợ chồng, Đạo làm người, Đạo làm dân, Đạo làm quan , Triết lí về tiền bạc , Công đức căn bản, Nhân qủa công bằng, Nghiệp của thân, Ý nghĩa sám hối , Biết lỗi chính mình , Sử dụng năng lực, Vui vẻ, Triết lí về sự chết , Nhân quả, Khẩu nghiệp, Bước đàu tọa Thiền , Phản bội, Niềm hy vọng , Nóng nảy, Kiềm chế , Thần thông phép lạ, Chỉ chích chỉ lỗi, Kiểm soát tâm, Tham sân si…
Không thể thống kể ra đây hết 600 bài giảng của Thích Chân Quang nhưng đọc tên gọi của các bài giảng này thôi thì thấy không hề có nói đến đạo pháp , Phật dạy thế này, Phật dạy thế kia . Nhưng nếu bạn dành thời gian đến nghe trực tiếp hoặc nghe lại qua các đĩa VCD do Nhà xuất bản Tôn giáo phát hành sẽ thấy đâu đó hình bóng của Đức Thích ca Mầu ni lẩn khuất trong những chuyện kể về đời sống trần tục muôn hình muôn vẻ của chúng sinh
Thông thường khi nghe thuyết giảng về đạo pháp người ta nghĩ ngay đến yếu tố chính trị . Ông này , ông kia có thể lợi dụng chính sách tôn giáo tự do của Đảng và Chính phủ để tuyên truyền phản động chống đối lại nhà nước pháp quyền . Với Thích Chân Quang thì hơn 12 năm thuyết giảng như vậy cho hàng triệu tín đồ trên cả nước , ông chưa bị nhà chức trách ngăn cản hoặc nhắc nhở vì ông luôn nói đến lòng yêu nước, tính kỉ luật thượng tôn pháp luật , tức là ông đã nói thay cho các cán bộ tuyên giáo rồi vì thế nhà nước phải khuyến khích ông , phải tuyên dương ông. Trong khi đó các thế lực thù địch lại ganh ghét ông, chúng kêu gọi các tăng ni phật tử ở nước ngoài tẩy chay các bài giảng của ông chỉ vì ông nói nhiều đến dân tộc , đến đất nước , ông đứng về phía lẽ phải và công lý
Vì không bị nhắc nhở, không bị ngăn cấm nên có người lại nghĩ có thể ông là công an cài vào giới tăng ni Phật tử để phá hoại ngầm ….
Những người đó có ai đã một lần dành thời gian nghe hết một hai bài nói chuyện của Thích Chân Quang chưa? Nếu chưa thì hãy cố nghe một lần xem thử ông là người của CIA hay là người của Tổng cục 2 như có thư tố cáo , tôi đoan chắc họ sẽ thay đổi thái độ
Trong bài nói “Sống có ích cho đời” ông mở đầu bằng sự cố sập cầu Cần Thơ làm chết nhiều người rồi dẫn dắt người nghe vào hai câu hỏi :
-Ta sống có ích hay vô ích
-Khi chết ta đi về đâu
Nghe đâu đây như lời của Ostroiepski trong Thép đã tôi thế đấy “ Cuộc đời phải sống sao cho có ích…”
Rồi qua rất nhiều mẩu chuyện trong thực tế trong đời thường ông mượn giáo lí của Đạo Phật để dạy người ta phải chọn sống sao cho có ích để khi chết đi theo quy luật tự nhiên được siêu thoát . Và muốn vậy ông khuyên mọi người hãy cố gắng tập Thiền. Thiền để có được hạnh phúc , có được đạo đức và có được năng lực siêu nhiên để vượt qua mọi khó khăn thử thách giải thoát mình khỏi bản ngã thấp hèn để vô ngã
Trong một vở hài kịch của nhà hát Tuổi trẻ, tôi nhớ mãi nghệ sĩ Đức Khuê trong một vai thằng dở người luôn miệng nói “Ở đời phải biết mình là ai chứ ? “
Nếu ai chưa xác định được mính là ai thì hãy đọc bài giảng “Kiềm chế “ của Thích Chân Quang . Mở đầu bài nói , ông nêu cho mọi người một câu hỏi thật không khó nhưng cũng thật không dễ “Kiềm chế là gì? “ và sau khi phân tích, dẫn giải bằng những ví dụ rất đời thường của người đi trên xe buýt kiềm chế không đánh lộn, của người nghiện bia rượu không sa đà khi bạn mời gọi, của người nghiện đánh bạc khi từ chối rẽ vào chiếu bạc…ông kết luận “ Kiềm chế là bước đầu của mọi sự tốt đẹp”
Kiềm chế là chiến thắng được ý muốn của bản thân để không làm điều xấu , là biết lỗi của chính mình, là ngu mà biết mình ngu . Muốn vậy phải tu trong đời sống hàng ngày . Tôi hiểu chữ tu ở đây là rèn luyện hàng ngày . Nếu biết kiềm chế để không làm điều xấu thì sẽ được gì? Ông lại đặt câu hỏi cho cử tọa và tự ông trả lời “ Được cuộc đời ghi công đức” Thế thôi! Nhưng ông nhấn đi nhấn lại “Thần thánh biết hết, thần thánh ghi nhận hết”
Qua một mầu nói chuyện của Thích Chân Quang vừa tường thuật lại tôi thấy ông toàn kể chuyện đời thường, chuyện anh gây lộn trên xe buýt, chuyện anh nghiện rượu, chuyên anh đánh bạc , chỉ thấp thoáng chữ tu tại gia trong đời sống thường nhật và thần thánh biết hết để giáo dục và cảnh tỉnh mọi người
Thật nhẹ nhàng, không đao to búa lớn và vì thế những câu chuyện kể của Thích Chân Quang thuyết phục người nghe và thấm sâu trong trái tim họ .
Có người nói, nói thế thì ai chả nói được. Không phải đâu. Chẳng giấy tờ gì hết, các lời nói cứ tuôn chảy từ cái miệng của con người nhỏ bé nặng chưa đến năm chục kí kia một cách hết sức logic
Để kiềm chế phải có nguyên nhân , đó là trong đầu anh nảy ra ý muốn xấu chẳng hạn anh học trò nghèo đã được cha mẹ dành dụm mua cho chiếc xe máy Wave alpha nhưng rồi đua chúng bạn anh lại muốn có chiếc xe đắt tiền hơn như Spacy, chẳng hạn có anh trông thấy người hàng xóm là thấy ghét rồi nên luôn nói xấu anh ta kết quả là gây thù chuốc oán , chẳng hạn cánh thanh niên thích chơi máy vi tính để xem các trang web đen đồi trụy
Đấy là những ý muốn xấu dẫn đến các hành vi thiếu kiềm chế
Song để có thể kiềm chế được bản thân thì phải có trí tuệ , tức là phải biết được cái gì đúng cái gì sai , hậu quả sẽ như thế nào . Thường thì người trưởng thành mới biết được hậu quả , người trẻ không biết,  không lường trước được mọi hậu quả xấu nhưng ngay cả người lớn tuổi , người sáu bảy chục tuổi nhiều khi cũng không kiềm chế được . Vậy thì không phải người trưởng thành nào cũng biết được hậu quả để kiềm chế . Thích Chân Quang nhấn mạnh : Trưởng thành ở đây là trưởng thành về trí tuệ, về công đức và về tâm linh. Lại chỉ thoáng qua một chút về Phật pháp thôi
Ông lại phân tích thêm nguyên nhân của mọi hành vi thiếu kiềm chế chẳng hạn gần đây nhiều vụ án do trẻ vi thành niên gây ra đó là do hai nguyên nhân : quản lí xã hội và giáo dục đều yếu kém. Đúng quá! Nếu có nhà chức sắc đại diện cho chính quyền ở đây mà nghe Thích Chân Quang nói điều này cũng phải gật đầu tán thành
Thích Chân Quang là nhà diễn thuyết uyên bác . Ngay cả kẻ thù của ông trong đơn gửi Tòa án Nhân dân tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu tố cáo ông đủ thứ chuyện cũng phải viết “Thày Chân Quang là người xây dựng lên ngôi chùa Phật Quang (từ năm 1992) và hiện đang là trụ trì tại đây. Với tài hùng biện và sự thông minh hơn người , trong thời gian gần 15 năm qua , thày Chân Quang đã thuyết giảng hơn 600 bài giảng về nhiều chủ đề được phát hành rộng khắp trong và ngoài nước . Chính những người xuất gia chúng tôi cùng với nhiều tín đồ , Phật tử khắp nơi đã dành cho thầy Chân Quang lòng kính trọng và xem ông ta như một vị thánh sống của Thế kỉ này”
Thích Chân Quang quả thật là người đa tài. Trước khi bước vào con đường tu hành khổ hạnh, ông đã từng là kiến trúc sư. Ông tự học nhạc và sáng tác nhiều bài hát được các ca sĩ nổi tiếng ở thành phố Hồ Chí Minh dàn dựng và nhà xuất bản Tôn giáo sản xuất các băng đĩa phát hành . Chủ đề của các bài hát này đều nói về tình yêu quê hương đất nước và về đạo lí làm người nghe thấy cũng được lắm vì nó cùng gu với nhạc Trịnh chứ không ồn ã và nhảm nhí như thứ nhạc thị trường hiện nay . Thường sau mỗi bài giảng , ông lại mở băng cho mọi người nghe một bài hát do ông sáng tác về chủ đề mà ông vừa thuyết giảng
Tôi không hiểu ông dành thời gian ở đâu để nghiên cứu , để truy cập internet hàng ngày và bộ óc của ông sắp xếp các dữ liệu thông tin như thế nào để mỗi khi mở miệng là nó tuôn chảy không ngưng nghỉ
Ông rất có tài dùng tính từ đồng nghĩa làm cho người nghe thán phục và không nhàm chán mặc dù chuyện ông kể ai cũng biết và chẳng có gì là to tát là quan trọng cả
Chẳng hạn trong chủ để Thử thách, khi phân tích về sự nhẫn nhục khi bị người khác nhục mạ , ông liên tục nói các từ ngữ từ cấp độ nhẹ đến nặng như : Đồ vô duyên, Đồ ngu, Đồ chó . Khi nói về một thói xấu ông dùng một lúc ba tính từ : Tủn mủn, tỉ mỉ , tẩn mẩn . Tất cả những câu chuyện , những từ ngữ mà ông sử dụng đều rất tự nhiên.
Thích Chân Quang nói chuyện tại tập đoàn Mai Linh
Khi phân tích về sự biết kiềm chế để sau này khi chết đi được siêu thoát , còn nếu không biết kiềm chế thì không siêu thoát , ông nói một lèo những từ đồng nghĩa :cõi trời không được lên , cõi Phật không được về, cõi người không được đầu thai . và ông vận dụng tiêu chuẩn ISO 9001 để nói về sự siêu thoát . Thật đáng nể đối với một nhà tu hành tinh thông đông tây kim cổ và cả kiến thức thời sự hiện đại. Tất nhiên , khi nhận lời mời nói về một đề tài nào đó , chẳng hạn về Đạo đức của người lái xe , ông phải đọc, phải xây dựng một đề cương, một dàn bài vắn tắt, nhưng khi đã vào cuộc thì ông như nhập tâm thuộc lòng tất cả , ông nói mà như “lên đồng” vậy , không hề ngắc ngứ, không hề vấp váp.  Mở đầu bài nói về đạo đức của người lái xe theo lời mời của ông Hồ Huy Tổng giám đốc Tập đoàn Mai Linh , trước hơn hai nghìn cử tọa là những người hành nghề lái xe ông nói “ Tôi cũng là một người lái xe, có bằng D thi cử hẳn hoi, lái xe khách chở ba bốn chục người” làm mọi người há hốc mồm ngạc nhiên và ông đưa người nghe từ ngạc nhiên này đến thích thú khác khi ông nói “Ta tổ chức hội thảo về đạo đức của người lái xe tại sao không hội thảo về đạo đức của người cảnh sát giao thông nhỉ”. Tất cả mọi người vỗ tay rầm rầm và từ đó câu chuyện của ông cởi mở và xúc động người nghe. Thích Chân Quang là như vậy đó
Tài năng của Thích Chân Quang thì rõ rồi, nhưng tiểu sử và cuộc đời của ông thì còn là điều bí ẩn mà ngay cả những đệ tử một thời gần gũi ông cũng không biết hết sự thật . Ngay cả chuyện ông tự nhận là cháu ruột ông Hồ Chí Minh dù có dựng cả video tại mộ tổ ở quê hương Nghệ An cũng nhiều người bán tín bán nghi và chính quyền thì không công nhận . Ở đất nước này , như Nông Đức Mạnh trả lời phỏng vấn ai chả là con cháu cụ Hồ. Theo tôi tự nhận mình là cháu ruột gọi cụ Hồ là Bác là cái dở của Thích Chân Quang dù ông rất thông minh, rất uyên bác. Cái sự “thấy sang bắt quàng làm họ” này như có người rêu rao chỉ được có thể được xác minh bằng ADN , nhưng thời gian đã quá xa rồi, hãy để câu chuyện này mãi mãi chôn vùi vào dĩ vãng
Nếu không những dư chấn về các scandal liên quan đến chuyện trai gái của thượng tọa Thích Chân Quang giống như những scandal tình ái , làm lộ hàng…của giới shwobiz chỉ là miếng ngồi ngon cho những tờ báo lá cải , những trang web rẻ tiền có dịp tung chưởng, thao túng thị hiếu của bạn đọc
Tôi cũng đã xem videoclip về bài nói tựa đề “ Những lời trân trối của thượng tọa Thích Chân Quang “. Hình ảnh một nhà tu hành ốm yếu , không mặc áo sà sa màu vàng như thường lệ mà mặc chiếc áo thụng màu tro tím thong thả nói những điều tâm huyết để các tín đồ hiểu về mình trước sự tấn công của các kẻ thù vô hình và hữu hình . Thích Chân Quang nói các quan chức tham nhũng nên bị dân ghét , còn nhà tu hành như thày thì điểm yếu mà kẻ thù đánh vào là quan hệ nam nữ. Họ (tức là các phần tử đang bôi nhọ danh dự và uy tín của thày) đã tổ chức cả một chiến dịch từ hải ngoại đến trong nước và đến tận các phật tử từng là học trò gần gũi bên thày , dựng lên những nhân vật có thật, bịa đặt lu loa những chuyện ong bướm hòng làm mọi người ghét bỏ thày cũng như ghét bỏ giáo lý Phật quang mà thày đã dày công xây dựng . Thích Chân Quang nhắc lại lời của Thánh Găngdi rằng “Tôn giáo là chính trị”. Các tôn giáo tranh giành tín đồ thậm chí xảy ra chiến tranh. Phải chăng Thích Chân Quang có thể là một nạn nhân của cuộc tranh giành tín đồ trong phạm vi Phật giáo trong cộng đồng các người Việt ở nước ngoài và người theo đạo Phật ở trong nước khi tiếng tăm các bài thuyết pháp của Thày nổi như cồn, đến mức có cả một videoclip có tựa “Thích Chân Quang -người ngoài hành tinh”!
Trong clip có tựa “Những lời trân trối”, tức lời của người sắp chết, Thích Chân Quang tiên lượng rằng một hai năm nữa khi họ đã hạ bệ được uy tín của thần tượng Thích Chân Quang thì thày sẽ bị giết !
Nhưng nay đã ba năm trôi qua, Thích Chân Quang không chết, các Phật tử đến với ông ngày càng đông, lịch giảng đạo của ông kín đặc cả năm , cả tháng . Lời trân trối của ông cũng là lời thanh minh xem ra không cần thiết bởi vì như ông nói “con người ai cũng có lỗi lầm, điều quan trọng là biết nhận ra lỗi lầm để mà sửa chữa , hoàn thiện mình mà chiến thắng “
Viết đến đây tôi bỗng nhớ đến mối tình thơ mộng và tuyệt đẹp của nàng Merghi và Đức cha Ran de Bricasa trong cuốn tiểu thuyết Tiếng chim hót trong bụi mận gai , và nó chỉ vỡ òa và đơm hoa kết trái khi hai người gặp nhau trên một hòn đảo thơ mộng . Một câu chuyện tình đẹp, oái ăm đã cuốn hút và làm thổn thức biết bao trái tim người xem cả truyện lẫn khi được chuyển thành phim
Có thể khi chưa trỏ thành nhà tu hành do căn nghiệp, Thích Chân Quang đã có những mối tình thơ mộng, đã là một con người lãng mạn và đa tình ? Nhưng khi đã quyết định dấn thân vào con đường tu hành , ông phải cắt đứt tất cả các duyên nợ với cuộc đời để tập trung vào giáo lý nhà Phật . Nhưng dù đã trỏ thành thượng tọa, ông vẫn là con người , vẫn biết thưởng thức cái đẹp của tạo hóa, vẫn có những ham muốn , những hỉ nộ ái ố . Điều quan trọng là bằng bản lĩnh được rèn luyện, ông có thể và phải biết kiềm chế như ông đã từng giảng giải cho các tín đồ
Tôi nói điều đó khi nghe bài giảng của ông về Tình yêu, hôn nhân và gia đình-một bài giảng mà theo tôi là một trong những bài giảng hay nhất của ông đáng được đưa vào sách giáo khoa. Mở đầu bài nói ông đọc thuộc lòng và diễn cảm một bài thơ tình nổi tiếng rồi hỏi các cử tọa có biết bài thơ đó là của ai? Một người nữ nói của Xuân Diệu ! Ông khen người nữ Phật tử trả lời đúng và nói thêm, không biết cô có thất tình như Xuân Diệu không song ông đính chính ngay đó là nói cho vui. Tính hàn lâm và tính hài hước luôn xuất hiện trong các câu chuyện đời thường của Thích Chân Quang . Rồi ông đọc làu làu lời các bản tình ca đầy tính ma mị và triết lí của Trịnh Công Sơn làm người nghe vừa thích thú vừa cảm phục tài hiểu biết và trí nhớ thiên bẩm của diễn giả . Xem thế có thể đoán ngày ông còn chưa vướng vào nghiệp tu hành, ông cũng là người lãng mạn và đa đoan lắm chăng ?
Ngày 13 tháng 8 năm 2012 vửa rồi trong chuyến đi công tác Vũng Tàu, tôi đã có dịp đến tham quan chùa Phật Quang và tiếp xúc thượng tọa Thích Chân Quang .
Chùa Phật Quang nằm trên núi Dinh thuộc địa phận thị xã Bà Rịa tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu
6 giờ chiều, chúng tôi hỏi thăm đường lên chùa Phật Quang dù đã có biển chỉ dẫn trên quốc lộ 51. Con đường dốc núi dài 4 cây số không một bóng người quanh co dẫn chúng tôi lên núi Dinh. Đi mãi thấy một tấm biển nhỏ đề bốn chữ “ Thiền Tôn Phật Quang”, nhìn vào bên trong chỉ thấy mấy căn nhà lợp tôn ọp ẹp chẳng có dáng vẻ gì là chùa chiền cả . Lại quay ra đi xe tiếp lên núi cao. Mãi mới bắt gặp một hàng nước. Hỏi thăm chủ quán thì được biết chỗ chúng tôi vừa vào chính là chùa Phật Quang đó. Quay xe lại, đỗ xe ở sân vì chẳng có ai để mà gửi. Đi vòng qua mấy bịch rác, thấy một con đường dốc sâu thăm thẳm với mấy trăm bậc đá. Tôi bảo người phật tử cùng đi . Tôi đau chân ở lại đây thôi, chị khỏe chân cứ đi đi , chả mấy khi mò được đến đây, bỏ cuộc thì tiếc quá.  Tôi quay lại căn nhà có ánh đèn sáng, còn cô gái đã bước xuống hai chục bậc. Bỗng một anh thanh niên đi ra hỏi ; Anh chị muốn xuống chùa à ? Sao đi muộn thế ?Đến đây em mở thang máy cho mà đi . Ôi hạnh phúc đến thật bất ngờ. Chùa Phật Quang không ở trên đỉnh núi mà ở dưới thung sâu . Chiếc cáp treo, thực chất là thang máy có hai thùng đựng người làm bằng hai chiếc thùng xe tải cũ mỗi chiếc chứa được khoảng mươi mười lăm người, một chiếc đi lên, một chiếc đi xuống bằng hai sợi cáp to đùng . Đến cuối đường cáp , chúng tôi đi bộ trên con đường đá trong rừng cây xanh um , dưới ánh đèn điện vàng vọt
Rèn luyện kĩ năng sống cho thanh thiếu niên do chừa Phật Quang tổ chức
Bỗng nghe thấy tiếng suối nước chảy róc rách , tiếng chuông chùa lảnh lót , tiếng tụng kinh rì rào . Ba cái âm thanh lạ lẫm trong thinh không đó làm cho tâm hồn kẻ lữ thứ thấy vui vẻ quên hết cả mệt nhọc.
Thấy có người lạ, một người phục vụ lớn tuổi , không biết nhà chùa gọi là gì đon đả ra mời ngồi, giót nước uống mời và câu đầu tiên hỏi : ông bà đã ăn cơm chưa để chúng tôi phục vụ ? Lúc này đã bảy giờ tối, chúng tôi cám ơn vì đã dùng cơm chiều , đúng ra là đã ăn bánh Khọt ở Vũng Tàu trước khi đến đây . Mục đích chuyến đi của chúng tôi là được thăm cảnh chùa và gặp sư thày Thích Chân Quang
Ông phục vụ nói giờ này là giờ thày nghỉ ngơi không tiếp khách vì sáng nay thày  đi giảng bài trên thành phố Hồ Chí Minh mới về
Chúng tôi nài nỉ đã biết trước lịch làm việc của Thày do một sư thày ở Thường Tín Hà Nội thông báo, nay từ Bắc vào đường xá xa xôi hy vọng được tiếp kiến thày dù chỉ vài phút . Ông phục vụ móc điện thoại ra gọi cho ai đó và trong khi chờ đợi chúng tôi đi vãn cảnh chùa . Đó là căn nhà rộng rãi trông gần như một cái hội trường có thể chứa được vài ba trăm người. Không hề giống các chùa ở miền Bắc với mái cong ngói đỏ . Phía trên bàn thờ đơn sơ có hai đĩa quả mỗi đĩa bày bốn trái bưởi, có nhiều lọ hoa tươi đặt trên bàn thờ và gắn trên các bức tường như để trang trí . Có một bát hương nhưng không thắp hương Một tượng Phật bằng thạch cao không sơn son thiếp vàng, không béo tốt và có đôi mắt vô hồn như thường thấy . Ở đây bức tượng Phật không quá cao to , với đôi mắt như ưu tư gì đó còn đôi tai thì vẫn to và dài như các pho tượng Phật mà tôi đã từng thấy .
Lại một người phục vụ khác trẻ hơn ra hỏi chúng tôi đã dùng cơm chưa để nhà chùa phục vụ . Tôi nhớ không nhầm thì trong khoảng thời gian chờ gặp thượng tọa Thích Chân Quang, đã có năm người phục vụ hỏi chúng tôi đã dùng cơm chưa và có nghỉ lại không để bố trí . Thật là chu đáo, thật là hiếu khách . Tôi cảm thấy ấm lòng dù chưa gặp được chủ nhân.
Một người thư kí ra nói Thày mệt không tiếp khách giờ này. Cô Phật tử năn nỉ không ăn thua . Tôi bèn xuất chưởng  . Tôi bảo anh thư kí, cứ tạm gọi anh ta như vậy vào thưa với thày rằng có ông nhà báo ở Báo Bạn đường từ Hà Nội vào xin gặp thày để bàn công chuyện nhân dịp Lễ Vu Lan và ngày tưởng niệm các nạn nhân chết vì tai nạn giao thông sắp tới . Anh ta gọi điện thoại di động và chỉ một lát sau Thích Chân Quang xuất hiện trong bộ cà sa màu vàng quen thuộc tay chống gậy ba toong . Trông thày xanh xao gày gò không được khỏe . Chúng tôi trình bày mục đích chuyến đi, cô Phật tử thì nói muốn được tận mắt gặp thày để được chiêm bái theo lời giới thiệu của sư thày một ngôi chùa ở Thường tín Hà Nội. Còn tôi, tôi nói với thày rằng tôi là nhà báo , tôi thông báo vắn tắt cho thày biết mỗi ngày có trên dưới ba chục người chết vì tai nạn giao thông, tức gần một trung đội, mỗi tháng chết một trung đoàn, mỗi năm chết một sư đoàn. Tôi nói thêm , số sĩ quan cấp tá chết vì tai nạn giao thông nhiều hơn số sĩ quan cấp tá chết trong hai cuộc chiến tranh. Tai nạn giao thông đang là một vấn nạn và Chính phủ quyết định lấy ngày 19 tháng 11 hàng năm là ngày tưởng nhớ các nạn nhân của tai nạn giao thông . Chúng tôi đang làm mọi việc tuyên truyền cho ngày đó , vì mỗi ngày bớt được một người chết là phúc đẳng hà sa theo giáo lí nhà Phật và đề nghị Thày với uy tín của mình chuẩn bị một bài thuyết giảng về ngày 19-11 này
Thày Thích Chân Quang ngắt lời tôi ;sao lại chọn ngày 19 sát ngày nhà giáo Việt Nam 20-11. Như vậy mọi người sẽ phân tâm vào cả hai ngày đó . Đúng là ông thày này tinh tường thật trong khi các chuyên viên tư vấn của Chính phủ không nghĩ ra . Rồi thày nói, tôi đã có bài nói chuyện về Đạo đức của người lái xe rồi. Nói rồi thày bảo anh thư kí lên thư viện lấy băng đĩa bài nói chuyện này tặng tôi rồi nói thêm nếu Bạn đường có sử dụng thì phải biên tập văn nói thành văn viết đấy nhé
Chúng tôi chụp với thượng tọa Thich Chân Quang mấy kiểu ảnh kỉ niệm rồi chia tay để thày còn nghỉ ngơi chuẩn bị công việc của Lễ Thành Đạo sắp tới
Trong lúc trò chuyện, anh thư kí kể dịp này năm ngoái nhà chùa đón 25.000 Phật tử đến từ khắp nơi trong cả nước. Một anh khác nói thêm, chưa kể khoảng 4000 người tại địa phương sáng đến tối về không nghỉ lại
Tôi hỏi làm thế nào phục vụ từng ấy người? Các vị thư kí tranh nhau nói, tất cả ăn ngủ tại chỗ. Chúng tôi phải chuẩn bị 250 nhà vệ sinh trên núi để phục vụ từng ấy con người . Năm nay con số người đến có thể còn đông hơn . Anh khoe, đống thảm cuộn tròn dưới sân là do các Phật tử ở Hà Nội cúng dường. Cả sân chùa rộng mênh mông được dựng lên các cột sắt trên mái phủ nhựa để tránh mưa nắng. Không làm theo kiểu công trường thế này làm sao chứa được từng ấy người . Tôi tự hỏi và tự trả lời.
Về đến thành phố Hồ Chí Minh, tôi gọi điện cho Hồ Huy Chủ tịch Tập đoàn Mai Linh hỏi rằng vì sao anh lại tổ chức mời thượng tọa Thích Chân Quang nói chuyện cho anh em lái xe ?
Anh Huy trả lời; Thích Chân Quang là người rất nổi tiếng không chỉ với người theo Đạo. Sau khi nghe sư thày nói chuyện, anh em lái xe Mai Linh biết lễ phép hơn với khách hàng, biết kiềm chế khi bị xe khác cướp khách, biết nhường nhịn khi tắc đường kẹt xe, biết trả lại đồ dùng và tiền bạc của khách bỏ quên …
Xin mượn lời anh Hồ Huy để kết thúc bài viết này
Hà Nội 26-8-2012
Lương Kháu Lão