Chủ Nhật, 9 tháng 9, 2012

HÀ NỘI: TT.THÍCH CHÂN QUANG THUYẾT GIẢNG CHO DOANH NHÂN TẠI KHU DU LỊCH GIẢI TRÍ THIÊN ĐƯỜNG BẢO SƠN

HÀ NỘI: TT.THÍCH CHÂN QUANG THUYẾT GIẢNG CHO DOANH NHÂN TẠI KHU DU LỊCH GIẢI TRÍ THIÊN ĐƯỜNG BẢO SƠN

Đăng ngày 09-09-2012
HÀ NỘI: TT.THÍCH CHÂN QUANG THUYẾT GIẢNG CHO DOANH NHÂN TẠI KHU DU LỊCH GIẢI TRÍ THIÊN ĐƯỜNG BẢO SƠN
Nhằm thể hiện lòng thành kính tri ân, báo hiếu ông bà, cha mẹ nhân tiết Vu Lan tháng 7; đồng thời cũng với mong muốn có một sự gắn kết trong cộng đồng kinh doanh, ngõ hầu giúp cho sự phát triển và bền vững của doanh nghiệp bằng yếu tố Đạo đức và Tâm linh, bà Nguyễn Thị Thu Hà - Tổng Giám Đốc Công Ty TNHH MTV Du Lịch Giải Trí Thiên Đường Bảo Sơn đã mời TT.Thích Chân Quang ban bố cho các doanh nhân bài Pháp thoại với ý nghĩa trên. Đáp lại lời mời và thuận theo yêu cầu của bà Nguyễn Thị Thu Hà, sáng ngày 06/09/2012, TT.Thích Chân Quang (BRVT) có buổi nói chuyện với các doanh nhân tại Hội trường khu Du lịch (Km 8 Đại lộ Thăng Long- Hà Nội), về đề tài YẾU TỐ ĐẠO ĐỨC VÀ TÂM LINH CHO SỰ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG CỦA DOANH NGHIỆP, với sự tham dự của đông đảo giới doanh nhân, các vị nhân sĩ, trí thức, cùng gia đình cũng như những đối tác thân thiết của họ, và Phật tử các nơi về, đồng tham dự.  
Mở đầu cho bài thuyết giảng, bằng câu hỏi: “Làm sao để doanh nghiệp phát triển và bền vững?”, Thượng Tọa đã nêu bật những vấn đề vô cùng bức xúc của các doanh nghiệp.
Như chúng ta thấy, trong tình hình kinh tế hiện nay, là doanh nhân, chắc rằng ai cũng đã nếm trải những khó khăn trên chặng đường kinh doanh của mình, và mọi người cũng đều hiểu rằng việc kiếm tiền bất chính thì không khó nhưng để chèo lái đưa doanh nghiệp đến bến bình an, phát triển thịnh vượng, đem đến sự ổn định đời sống cho công nhân viên và sự lợi ích cho khách hàng là điều không phải ai cũng làm được. Cho nên, làm sao để doanh nghiệp phát triển và bền vững là điều mà tất cả các doanh nhân đều bận tâm, lo lắng.
Và, theo quan điểm của đạo Phật, Thượng Tọa đã giải quyết dùm cho các doanh nghiệp vấn đề trên một cách rõ ràng, súc tích và hết sức thuyết phục. Nội dung cụ thể như sau:
Trong kinh doanh, có nhiều yếu tố để phát triển doanh nghiệp, trong đó, có một yếu tố may rủi bất ngờ mà ta không thể dự đoán được, nằm ngoài sự kiểm soát của ta, ta gọi đó là yếu tố Tâm linh. Nếu ta quan tâm nhiều đến Đạo đức và Tâm linh thì ta hy vọng sẽ bớt rủi ro, giảm nguy cơ đưa đến phá sản.
Có hai điều chính yếu tác động vào sự may rủi của doanh nghiệp: Một là do “Nhân quả”, tạo phúc để bảo vệ doanh nghiệp; Hai là có sự can thiệp của “Thần Thánh”.
Thật sự, một doanh nhân có đẳng cấp tức là đời xưa họ có tạo phúc. Phúc quá khứ chi phối mà vì họ quên, không biết phát huy, cứ nghĩ sự thành đạt là do tài năng của mình nên họ đã hưởng thụ quá trớn, đã sống sai lầm để cho phúc mất dần, rồi tan vỡ.
Muốn sửa lại lối sống sai lầm để giữ cho doanh nghiệp bền vững, họ cần thực hiện các yếu tố sau:
1/Đầu tiên là tu thân. Doanh nhân phải sống cách nào để cống hiến nhiều hơn thụ hưởng. Đây là một công thức cơ bản đủ để thành công trên đời, và để tránh cái lỗi thụ hưởng nhiều quá. Vì khi phúc đến mức giới hạn doanh nghiệp sẽ tan vỡ, phá sản. Các doanh nhân cần phải xét lại, nên sống giản dị và đừng bao giờ bày tỏ sự sang trọng, hoặc bày tỏ đẳng cấp của mình qua việc hưởng thụ quá trớn so với phúc mình có.
2/ Sự kính trọng. Doanh nhân là người có tiền nhiều, có phúc lớn, vượt bậc hơn người, vì thế luôn được sự kính trọng của mọi người. Cho nên, doanh nhân đừng sống theo thói thường tình là xem thường người dưới quyền, người thấp kém hơn mình, vì đạo đức của doanh nhân chính là biết kính trọng người trên và tôn trọng người dưới.
 3/ Được Thần Thánh yêu mến. Doanh nhân phải tin có Thần Thánh và sống chân chính để Thần Thánh yêu mến. Tránh hai cực đoan: Không tin Thần Thánh nên thờ ơ, không quan tâm, hoặc tin có Thần Thánh nhưng dưới góc độ cầu cạnh và mê tín, sẽ không kết quả và tốn kém  vô ích. Sự can thiệp của Thần Thánh là điều có thật, chi phối đời sống của chúng ta, nên nếu muốn được Thần Thánh yêu mến, lúc này doanh nhân phải tự đặt lên vai một gánh nặng là lo cho đời sống được ổn định của nhiều người dưới quyền mình, chứ không phải doanh nhân còn trong giai đoạn kiếm tiền để mưu sinh như bước đầu mới kinh doanh.
4/ Hãy làm con của Phật. Để kết nối tâm linh, doanh nhân hãy quy y Tam bảo, hãy là con của Phật vì Phật là thầy của Trời và Người. Đức Phật dạy cho ta nền tâm linh vững chắc, khi ta thực hành lời Phật dạy, có tu tập, đạo đức ta sẽ tăng dần lên, và ta nhận được may mắn bất ngờ vì có sự cảm ứng của chư Phật.
Bây giờ chúng ta nói về Phúc. Có 2 cấp để tạo phúc:
1.        Người chủ phải biết thương nhân viên (Doanh nhân cần coi lại thái độ của mình, không được thờ ơ, sòng phẳng đến đau lòng mà phải có tình hơn, biết rõ hơn từng hoàn cảnh hay tâm tình của họ).
2.     Người chủ giáo dục được nhân viên của mình biết yêu thương thêm những người khác nữa.
Khi có phúc dày, doanh nghiệp có thể vượt qua khó khăn và được bền vững hơn.
Một yếu tố khác: Sản phẩm của doanh nghiệp là loại gì? Đây cũng là một yếu tố có ảnh hưởng đến phúc của doanh nghiệp. Để tạo phúc, doanh nghiệp kinh doanh bất kỳ loại sản phẩm nào cũng phải nghĩ đến việc mang lại lợi ích, đồng thời nhớ kèm theo đạo đức, gieo rắc ý niệm đạo đức vào đời sống con người. Làm được điều này thì doanh nghiệp dù có khó khăn như thế nào vẫn không bị rơi vào vòng xoáy của xã hội. Nếu như gặp khó khăn, doanh nghiệp có thể vay phúc của Phật, rồi đền ơn Phật chỉ bằng một lời hứa: “Tiếp tục tu dưỡng và làm phúc”.
Yếu tố tâm linh tạo nên hiệu ứng rất lớn nên khi doanh nghiệp “Ăn nên làm ra” thì càng phải cố gắng nỗ lực làm phúc nhiều hơn nữa, càng phải khiêm tốn, tránh khoe khoang, kiêu mạn, tự hào.
Yếu tố đạo đức có được là khi doanh nhân:
-        Khôn ngoan. Không tham vọng trong kinh doanh. Ông bà ta có câu “Liệu cơm gắp mắm’’, còn trong đạo Phật thì “Tùy phúc mà mở rộng kinh doanh’’.
-        Hết sức sợ nợ.
-        Phải thiền định. Vì Thiền định cho ta sự tĩnh tại để không bị cái tham, cái sân điều khiển; cho ta trực giác bén nhạy mà đỉnh cao là sức phán đoán tốt sự tình.
-        Âm thầm hỗ trợ doanh nghiệp khác. Trong tương tác của toàn xã hội có sự liên kết với nhau, ngành nghề này có mối liên hệ với ngành nghề khác, nên khi ta làm cho doanh nghiệp của mình phát triển bền vững mà vẫn âm thầm hỗ trợ doanh nghiệp khác. Đây là một đạo đức rất tốt vì nó đi ngược lại thói quen khá phổ biến là sự cạnh tranh và tiêu diệt lẫn nhau trên thương trường.
Kết luận bài thuyết giảng, Thượng tọa nhắc lại những nội dung chính để làm sao từ nơi một doanh nghiệp phát triển bền vững sẽ có rất nhiều người được an vui, hạnh phúc.
1.    Tu dưỡng đạo đức.
2.    Tạo phúc. Hãy lợi dụng sự thành công bền vững để cống hiến, phục vụ nhiều hơn nữa.
3.    Có sự kết nối giữa con người và Thần Thánh bằng việc sống đạo đức và là con của Phật.
4.    Thiền định.
Kế đến, TT.Thích Chân Quang trực tiếp hướng dẫn kỹ thuật toạ Thiền cho các doanh nhân.
Đến đây, buổi nói chuyện của Thượng toạ kết thúc. Cả hội trường rất hoan hỹ như vừa vỡ ra được điều gì vô cùng quý báu, mở trước mắt cho họ con đường để đi tới tương lai tốt đẹp, chỉ vì các vị nghe được Pháp ấy như một sự khích lệ, làm cho phấn khởi, cảm nhận được lợi ích cho mình và cho mọi người./.   
                                                                        

Dưới đây là một số hình ảnh ghi nhận được tại Hội trường khu Du Lịch Giải Trí Thiên Đường Bảo Sơn qua buổi nói chuyện của TT.Thích Chân Quang:



Hội trường Khu Du lịch Giải Trí Thiên Đường Bảo Sơn – Hà Nội.


Toàn thể các doanh nhân, Phật tử cung đón TT.Thích Chân Quang quang lâm Đạo tràng thuyết Pháp.


Toàn cảnh buổi nói chuyện của TT.Thích Chân Quang với các doanh nhân, giới trí thức và Phật tử Hà Nội.




Thượng toạ hướng dẫn kỹ thuật toạ Thiền cho các hành giả tham dự trong buổi Pháp hội này.



TL

0 nhận xét:

Đăng nhận xét